Xây dựng đề thi trắc nghiệm các môn xã hội: Để không chỉ là trắc nghiệm hình thức
Tác giả: Hà Nguyên
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/xay-dung-de-thi-trac-nghiem-cac-mon-xa-hoi-de-khong-chi-la-trac-nghiem-hinh-thuc-2332886.html
GD&TĐ - Thời điểm này, Tổ chuyên môn các môn học trong tổ hợp bài thi Khoa học Xã hội ở trường THPT đã và đang tập trung xây dựng bộ đề để vừa phục vụ cho công tác kiểm tra – đánh giá, vừa giúp HS củng cố, hệ thống kiến thức theo phương châm học đến đâu ôn thi đến đấy, đồng thời cũng là cơ hội để các nhà trường đổi mới cách dạy, cách học, đáp ứng yêu cầu mới của ngành, trong đó có công tác kiểm tra – đánh giá.
Không chỉ đơn thuần là lắp ghép phương án A, B, C, D
Thầy Phạm Được - GV Lịch sử Trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) - cho biết, trong tuần này, các GV Lịch sử phải hoàn thành mỗi người một bộ đề với dung lượng 40 câu hỏi để phục vụ cho việc kiểm tra một tiết toàn khối 12 sắp tới. “Sau đó, chúng tôi phân công nhau mỗi người xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm cho từng giai đoạn lịch sử: Lịch sử thế giới; lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919 – 1930, từ 1930 – 1945, từ 1945 – 1954, từ 1954 – 1975 và từ 1975 đến nay. Đề minh họa môn Lịch sử do Bộ GD&ĐT vừa công bố cũng là một căn cứ để chúng tôi xây dựng đề trắc nghiệm” - thầy Được cho biết.
Trường THPT Phạm Phú Thứ (Đà Nẵng) vừa khôi phục lại các câu hỏi trắc nghiệm môn Địa lý trong ngân hàng đề thi của trường, vừa yêu cầu các tổ chuyên môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân khẩn trương tìm kiếm từ các nguồn tài liệu để sưu tập, chọn lọc các câu hỏi trắc nghiệm. Ngoài ra, các tổ chuyên môn cũng xây dựng thêm hệ thống câu hỏi trắc nghiệm để đưa vào phần củng cố sau mỗi tiết học, đề kiểm tra một tiết, 15 phút… cho phù hợp.
“Thực ra, nguồn tài liệu câu hỏi trắc nghiệm của các môn xã hội không quá khan hiếm. Vấn đề là cần có sự chọn lọc, thẩm định để vừa đảm bảo bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, vừa đáp ứng với ma trận đề” - thầy Nguyễn Bá Hảo, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét.
Cũng giao cho các tổ chuyên môn xây dựng đề trắc nghiệm để sử dụng trong kiểm tra, đánh giá HS ngay sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án thi, thầy Lê Phước Dũng – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Đà Nẵng) - cho biết, BGH cùng với tổ trưởng tổ chuyên môn phải có trách nhiệm rà soát, thẩm định để tránh hiện tượng giáo viên ra đề “ảo”.
“Nếu trong 4 phương án mà HS dễ dàng nhận ra phương án đúng thì đề trắc nghiệm không còn ý nghĩa gì” - thầy Lê Phước Dũng nhận xét. Có cùng nhận định như vậy, thầy Phạm Được cho rằng, để có một bộ đề trắc nghiệm hay, giáo viên ngoài nắm vững kiến thức, còn phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để trong bốn phương án đưa ra, có cả câu gây nhiễu chứ 3 phương án sai còn một phương án đúng và không liên quan gì đến nhau thì chỉ là “hỏi cho có hỏi” chứ không phải là câu hỏi trắc nghiệm.
“Trước mắt, chúng tôi phải tìm đọc tham khảo bộ câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử từ năm 2007, nhưng lại thấy không còn phù hợp với yêu cầu phân hóa. Hiện nhà trường đang xây dựng cấu trúc đề theo mức độ 70 – 30, tức các câu hỏi ở mức vận dụng và vận dụng cao chiếm 30% trong một đề thi” - thầy Phạm Được cho biết.
Dạy - học theo phân hóa đối tượng
Thầy Phạm Được cho rằng, đối với môn Lịch sử, thì phương pháp dạy – học gần như không thay đổi gì nhiều khi chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm. “Học sinh vẫn phải nắm chắc các kiến thức cơ bản, từ hoàn cảnh, nội dung, ý nghĩa của sự kiện. Nếu như GV dạy chỉ để cho HS nắm chắc các ý nhỏ để phục vụ cho mục đích thi cử thôi thì sẽ quá tải với cả thầy và trò, vì mỗi một sự kiện lịch sử chứa đựng rất nhiều ý nhỏ và dạy như thế thì cũng mất đi ý nghĩa hệ thống của môn học. Có khác chăng là HS buộc phải nắm chính xác một số thuật ngữ như thành phần giai cấp, nội dung của hiệp định, hội nghị… nếu nắm sai thì sẽ làm bài không chính xác” – thầy Được phân tích.
Một số trường THPT đã bắt đầu áp dụng câu hỏi trắc nghiệm để kiểm tra, đánh giá, từ bài kiểm tra 15 phút trở đi. Như Trường THPT Ngô Quyền, trừ môn Ngữ văn, các môn học còn lại, toàn bộ khối 12 đều kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm.
Riêng Trường THPT Phạm Phú Thứ, nhà trường quyết định trong nửa đầu học kỳ I, đối với các môn Toán, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, đề thi sẽ theo cấu trúc 50% câu hỏi trắc nghiệm và 50% câu hỏi tự luận. Theo như lý giải của thầy Nguyễn Bá Hảo thì cấu trúc 50 – 50 giúp HS làm quen dần dần với việc chuyển đổi hình thức đề thi: “Sau khi phân tích kết quả bài kiểm tra một tiết chung cho toàn khối và thêm một bài kiểm tra giữa kỳ theo hình thức trắc nghiệm để có cơ sở điều chỉnh phương pháp giảng dạy cũng như hướng dẫn kỹ năng phân tích đề và làm bài cho HS”.
Trước đây, Trường THPT Ngô Quyền sử dụng 4 tiết tăng tiết bám sát cho các môn Toán – Văn – Ngoại ngữ thì giờ số lượng 4 tiết/tuần này phải thay đổi phân bố thêm cho các môn khác, trong đó có cả môn Giáo dục công dân. Trường THPT Phạm Phú Thứ đã cho HS khối 12 đăng ký tổ hợp môn tự chọn để tổ chức lớp ôn tập cho phù hợp. “Trong số 364 HS khối 12 thì có 236 em đăng ký tổ hợp môn Khoa học Xã hội, 128 em chọn tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên. Đối với lớp ôn tập, chúng tôi tổ chức trái buổi, sẽ tổ chức phân lớp lại để dạy học theo đối tượng với 2 mức độ: Dạy để HS nắm chuẩn kiến thức kỹ năng và dạy học nâng cao”.
Phương châm của các trường THPT trong dạy - học ở khối 12 là học đến đâu, ôn thi và nắm vững kiến thức đến đấy và rèn cho HS kỹ năng vận dụng các đơn vị kiến thức, kỹ năng phân tích đề, làm bài phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm.
------- Hết phần trích dẫn từ nguồn giaoducthoidai.vn -------------
Đề thi mẫu môn tổ hợp KHXH của Bộ GD&ĐT cho kỳ thi THPT năm 2021:
(Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7275)
Đề thi môn thành phần: Lịch sử
Đề thi môn thành phần: Địa lý
Đề thi môn thành phần: Giáo dục công dân